Thời kỳ trị vì cuối Lưu Tống Minh Đế

Trong lúc đó, Minh Đế cũng trở nên sa đọa. Giả dụ như vào năm 470, ông đã ra lệnh cho các bá quan cùng thứ sử và thái thú phải dâng cho mình các quà tặng, và khi thái thú quận Thủy Hưng (始興, nay gần tương ứng với Thiều Quan, Quảng Đông) Tôn Phụng Bá (孫奉伯) chỉ tặng cổ cầmsách, chứ không phải là những thứ châu báu như Minh Đế mong muốn, ông đã đưa thuốc độc đến cho Tôn và lệnh cho người này phải tự sát, song Minh Đế ngay sau đó đã thu hồi lệnh này. Trong một lần, Minh Đế tổ chức một yến tiệc trong cung, và ra lệnh rằng các nữ quan của mình phải cởi bỏ quần áo. Vương Hoàng hậu bối rối và đã lấy quạt để che mắt. Minh Đế tức giận và nói rằng, "Nhà nàng quá ngây thơ và không biết gì về thiên hạ. Hôm nay mọi người đều cố gắng để vui vẻ, vậy tại sao hậu lại đi che mắt của nàng?".

Theo tài liệu lịch sử được viết dưới thời triều Nam Tề kế tục, Minh Đế là người liệt dương, và mặc dù ông đã có tới 12 người con trai song đó là kết quả của việc ông đã ra lệnh bắt giữ các thê thiếp mang thai của các huynh đệ và giữ lại đứa trẻ nếu là con trai, hoặc lệnh cho các hậu phi quan hệ với người khác. (Tuy nhiên, thực tế là Vương Hoàng hậu đã có hai con gái và không có con trai) Thêm vào đó, Minh Đế được thuật lại là có tính đa nghi, ghen tuông, độc ác và bạo lực. Ngoài ra, ông cũng là người mê tín, và các bá quan cùng hầu cận bị buộc phải tuân theo một số điều cấm kỵ trong ngôn từ và hành vi. Bất kỳ ai vi phạm những điều cấm kỳ này đều sẽ bị hành quyết, thường là bằng một cách tàn nhẫn, bao gồm mổ bụng để lấy quả tim hay ruột của họ ra.

Năm 471, Minh Đế lâm bệnh, và do Thái tử Lưu Dục lúc này chỉ mới tám tuổi, ông đã lo sợ rằng các huynh đệ của mình sẽ tước đoạt ngai vàng, và do đó đã quay lưng với họ. Mục tiêu đầu tiên là Lưu Hưu Hựu vì người này được coi là có tính kiêu ngạo và hung bạo, ông ta cũng thường khiến cho Minh Đế phải bực mình. Do đó, trong một chuyến đi săn với Lưu Hưu Hựu, Minh Đế đã nhân cơ hội để lệnh cho cận vệ đẩy Lưu Hưu Hựu xuống ngựa và sau đó đánh cho đến chết. Khi tin tức đến tai hoàng đệ nhỏ tuổi nhất của Minh Đế là Ba Lăng Ai vương Lưu Hưu Nhược (劉休若), đồng thời là thứ sử Kinh Châu, các thành viên tham mưu cho Lưu Hưu Nhược đã đề xuất rằng ông ta nên tiến hành nổi dậy, đặc biệt là khi có lệnh triệu ông ta về Kiến Khang và sau đó đảm nhiệm chức vụ thứ sử Nam Từ Châu (南徐州, nay là phía tây trung bộ Giang Tô) của Lưu Hưu Hựu trước đây. Tuy nhiên, Lưu Hưu Hựu đã không tiến hành nổi loạn và đã đến Nam Từ Châu. Trong khi đó, do dư luận cho rằng Lưu Hưu Nhân sẽ trở thành nhiếp chính nếu như Minh Đế qua đời, tất cả các bá quan cấp trung đều cố lấy lòng Lưu Hưu Nhân và các thuộc hạ của ông, điều này đã khiến cho Minh Đế tức giận và nghi ngờ, và ông đã buộc Lưu Hưu Nhân phải tự sát. Sau đó, Minh Đế triệu Lưu Hưu Nhược trở lại Kiến Khang và cũng buộc hoàng đệ này phải tự sát. Hoàng đệ duy nhất thoát chết là Quế Dương vương Lưu Hưu Phạm (劉休範), người này được cho là không có đức độ và bất tài, và do đó không được xem là một mối đe dọa.

Nghi ngờ của Minh Đế ngay sau đó chuyển sang các quan lại khác. Để kiểm tra thái độ của thứ sử Nam Duyện Châu (南兗州, nay là phía đông trung bộ Giang Tô) Tiêu Đạo Thành, Minh Đế đã lệnh cho chiến lược gia Ngô Hỉ đem một bình rượu đến chỗ của Tiêu. Tiêu tin rằng rượu này có độc, và tính đến việc phải chạy sang Bắc Ngụy, song khi Ngô tiết lộ rằng rượu không có độc và Minh Đế chỉ muốn thử lòng ông ta, và thậm chí còn uống trước một ít rượu. Tiêu Đạo Thành sau đó đã uống rượu, Ngô đã hồi kinh và xác nhận lòng trung thành của Tiêu, song việc Ngô tiết lộ rượu không có độc đã sớm bị lộ. Minh Đế trước đó đã sẵn nghi ngờ về khă năng của Ngô Hỷ, nay đã buộc Ngô phải tự sát. Vì lo sợ, một huynh đệ của Vương Hoàng hậu là Vương Cảnh Văn (王景文), đã cố từ chức chỉ huy quân đội. Tuy nhiên, Minh Đế đã không chấp thuận song vẫn nghi ngờ rằng Vương Cảnh Văn sẽ đoạt lấy quyền lực sau khi mình băng hà, Minh Đế vì thế đã buộc Vương Cảnh Văn phải tự sát vào mùa xuân năm 472. Minh Đế qua đời vào mùa xuân năm 472, và Thái tử Lưu Dục lên kế vị (tức Hậu Phế Đế).